Nữ giao dịch viên hơn 20 năm bền bỉ với nghề

Thứ Ba 9:58 02/07/2019
22 năm thâm niên trong nghề, trải qua nhiều bưu cục khác nhau thuộc Bưu điện thành phố Hà Nội, với chị Đào Thanh Mỵ - giao dịch viên bưu cục Lương Văn Can, Bưu điện Trung tâm 1 - công việc làm dâu trăm họ đã trở thành một phần gắn bó của cuộc sống.
 
 Chị Đào Thanh Mỵ tiếp đón khách đến sử dụng dịch vụ ở bưu cục Lương Văn Can
 

Đến bưu cục Lương Văn Can lúc chị Mỵ đang niềm nở tiếp khách vào gửi bưu phẩm. Tay thoăn thoắt cân, gói hàng cho khách, chị kể về những kỷ niệm khó quên trong quãng thời gian làm giao dịch viên của mình. Năm 1997, chị Mỵ đến với công việc giao dịch viên Bưu điện bằng tất cả lòng nhiệt huyết tuổi trẻ. “Lúc đó, tay nghề và kinh nghiệm chưa nhiều nên bản thân luôn tự nhủ phải cố gắng hết sức và không ngừng học hỏi những bậc anh chị đi trước. Ngày trước, công việc ở các khâu đều phải làm thủ công rất nhiều, như đóng hàng chưa có máy đóng đai thùng tự động mà phải đai tay hoặc buộc dây nên mất nhiều thời gian và công sức.”

Một trong những “tai nạn” nghề nghiệp buổi đầu mới vào ngành mà chị Mỵ nhớ mãi đến tận bây giờ đó là trước đây, ở các bưu cục có dịch vụ collect call - dịch vụ điện thoại mà người ở Việt Nam gọi trực tiếp đi nước ngoài, cước phí đàm thoại sẽ do người nhận cuộc gọi thanh toán. Lúc đó, điện thoại di động chưa phổ biến như bây giờ nên khách đến sử dụng dịch vụ này rất đông. Do thiếu kinh nghiệm dẫn đến làm sai thao tác nên từng có tháng chị phải bỏ tiền túi ra bù rất nhiều bởi cuộc quốc tế có cước phí cao. Từ những vấp váp đầu tiên đó, chị My giờ đây đã là một giao dịch viên chuyên nghiệp giàu thâm niên khi trải qua công việc này ở các bưu cục khác nhau.

Nhớ lại quãng thời gian làm giao dịch viên ở bưu cục quốc tế, với đặc thù phục vụ khách hàng, đối tác lớn nên mỗi dịp đặc biệt, khối lượng bưu phẩm gửi đi rất nhiều. Có những đợt các giao dịch viên như chị bắt đầu công việc từ lúc 7 giờ sáng, tăng ca đến 11-12 giờ đêm mới xong. “Những lúc đó chị em chúng tôi ai nấy đều ý thức tập trung cao độ vào công việc để đáp ứng đúng yêu cầu về chất lượng và thời gian, giữ hình ảnh đẹp trong lòng khách hàng.”

 
 Chị Đào Thanh Mỵ đang gói bưu phẩm cho khách hàng
 

Hay có những lô hàng cồng kềnh với số lượng lớn không thể làm ở bưu cục, các chị phải thuê kho bãi ở xa để khai thác hàng tuần mới xong. Có lúc không thuê được kho, hàng của khách tập kết ở ngoài đường, giao dịch viên phải mang dụng cụ đến tận nơi để khai thác, đóng hàng và gửi luôn tại chỗ.

Công việc của một giao dịch viên bận rộn mỗi ngày nhưng dịp cận tết mới là mùa cao điểm với cường độ làm việc tăng cao. “Khoảng gần 2 tháng trước tết, lượng khách gấp 3 lần ngày thường nên thời gian làm việc kéo dài đến 10-12 tiếng, 2-3 giờ chiều mới ăn cơm trưa là chuyện bình thường”, chị Mỵ cho biết. Đặc biệt, có năm những ngày nghỉ tết đã cận kề nhận được khối lượng lớn hàng chuyển phát nhanh của khách, để kịp thời gian, xe thư không chở hàng về từng bưu cục mà chuyển thẳng đến bưu cục trung tâm rồi chị em giao dịch viên tập trung ở đấy, khẩn trương đóng hàng ngay tại sân để gửi luôn thì mới kịp.

Bưu cục Lương Văn Can nằm ở trung tâm quận Hoàn Kiếm nên ngoài việc phục vụ khách trong nước, góp phần để lại hình ấn tượng trong lòng khách quốc tế về đất nước, con người Việt Nam là điều mỗi giao dịch viên như chị Mỵ luôn ý thức. Hằng ngày, tiếp đón nhiều khách du lịch nước ngoài vào hỏi các thông tin, chỉ dẫn hay mua tem gửi thư, bưu thiếp, các chị luôn tận tình hướng dẫn với nụ cười thân thiện trên môi.

Hình ảnh các giao dịch viên là ấn tượng đầu tiên của khách hàng về doanh nghiệp nên chị My luôn tâm niệm ngoài việc không ngừng trau dồi, củng cố nghiệp vụ vững vàng phải luôn rèn luyện kỹ năng giao tiếp, chăm sóc khách hàng để mỗi khách khi đến sử dụng dịch vụ đều luôn cảm thấy vui vẻ, hài lòng.

Niềm vui trong mỗi ngày làm việc đối với chúng tôi thật đơn giản. Một câu cảm ơn, một lời khen hay động viên của khách hàng cũng đủ để chúng tôi quên đi mệt nhọc và yêu nghề hơn”, chị Mỵ tâm sự.