Đổi mới để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng

Chủ Nhật 17:07 31/01/2021
Một trong những điểm nhấn trong công tác cán bộ được đặt ra tại Đại hội XIII của Đảng đang được các đảng viên và nhân dân quan tâm đó chính là những đổi mới mang tính đột phá trong công tác nhân sự và cán bộ. Mục tiêu là xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, đồng thời có ý nghĩa quyết định đến sự ổn định và phát triển bền vững chế độ chính trị ở nước ta hiện nay và lâu dài.
 
 
 

Từ 6 “dám”

Phát biểu tại Lễ khai mạc Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh nhiệm vụ: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Có chính sách khuyến khích và cơ chế phù hợp bảo vệ những cán bộ, đảng viên có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện nguyên tắc của Đảng và pháp luật của Nhà nước, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”. Đây cũng chính là những nội dung có trong các văn kiện trình Đại hội XIII. Trong đó, “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” từng được đặt ra ở các nhiệm kỳ trước và lần này, được bổ sung, hoàn thiện với “dám nói” và đặc biệt là “dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung” được cho là những nét mới.

Nhiều đại biểu dự Đại hội đã rất tâm đắc với nội dung này. Ông Trần Trung Nhân - Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Đồng Nai - cho rằng, trước đây chúng ta thường nghe “3 dám”, là dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Còn tại báo cáo chính trị lần này, Đảng khuyến khích và có giải pháp để bảo vệ cả những cán bộ “dám nói, dám đổi mới sáng tạo và dám đương đầu với những khó khăn, thử thách”.

Theo ông Trần Trung Nhân: “Dám nói ở đây là nói thẳng, nói thật, nói đúng, không cần nói nhiều và quan trọng nói là phải làm. Đặc biệt là dám đương đầu, dám đổi mới, cái này mới là cái khó, nhất là trong điều kiện hệ thống pháp luật của nước ta chưa được hoàn thiện, còn nhiều khiếm khuyết như trong báo cáo chính trị đã nêu là chưa đồng bộ, thậm chí có chồng chéo, có những vấn đề mới phát sinh nhưng pháp luật chưa kịp điều chỉnh”.

Trưởng ban Nội chính tỉnh Đồng Nai nhận định: “Báo cáo chính trị lần này đặt ra “6 dám” như đã nêu, tôi nghĩ đây là “liều thuốc” rất kịp thời giúp cán bộ cởi bỏ tâm lý sợ sai của mình trong thực hiện nhiệm vụ được giao”.

Còn Bí thư Tỉnh uỷ Yên Bái Đỗ Đức Duy nhìn nhận: “Là những người lãnh đạo ở địa phương, chúng tôi rất tâm đắc với chủ trương này của Trung ương Đảng mà tới đây sẽ được quyết nghị trong Đại hội XIII. Như vậy, những người lãnh đạo các địa phương sẽ tự tin hơn, vững tâm hơn khi mình dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám mạnh dạn đổi mới, dám đương đầu với khó khăn, thách thức vì mục tiêu phát triển của địa phương cũng như của đất nước”.

Để cán bộ, đảng viên thực hiện 6 “dám” thì phải có cơ chế bảo vệ cán bộ đặc biệt cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Trong quá trình lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo các văn kiện của Đại hội, trao đổi với PV Báo Lao Động, ĐBQH Đào Thanh Hải (Đoàn TP.Hà Nội) - Phó Giám đốc CA TP.Hà Nội, người được Ban Tổ chức T.Ư mời tham gia xây dựng chỉ thị về việc bảo vệ cán bộ đảng viên, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm - cho rằng: “Đổi mới sáng tạo và đột phá giữa đúng và sai rất mong manh, “vô cùng mong manh”. Nếu như không bảo vệ được cán bộ thì chắc chắn không ai sáng tạo, không ai dám đổi mới, đột phá”.

Trong tham luận trình bày tại Đại hội XIII, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nêu quan điểm, cần sớm triển khai thực hiện cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, làm cơ sở cho công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng đạt được hiệu quả tốt hơn.

Đến 3 “không”

Bên cạnh việc khuyến khích và tạo ra cơ chế để cán bộ, đảng viên thực hiện 6 “dám” thì cũng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.

Từ những vấn đề của địa phương, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho rằng: “Cần xác định công tác kiểm tra, giám sát không phải là “rào cản” của sự phát triển, kìm hãm sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, mà là biện pháp để giữ vững nguyên tắc và kỷ luật của Đảng; sớm phát hiện, khắc phục các hạn chế, không để vi phạm nhỏ trở thành vi phạm lớn gây hậu quả nghiêm trọng; bảo đảm cho các chủ trương, quyết sách của cấp ủy được chính xác và bền vững hơn”.

Trên thực tế, tạo cơ chế cho cán bộ, đảng viên “dám nói, dám nghĩ, dám làm, dám sáng tạo, đổi mới” nếu không kiểm tra giám sát sẽ tiềm ẩn nguy cơ “vượt rào” nảy sinh tiêu cực.

Phát biểu tại Đại hội XIII, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu vấn đề: “Cần tập trung đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức, xây dựng đội ngũ công chức, viên chức có đủ năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực của công chức, viên chức trong thực thi công vụ, giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp”.

Trong phát triển Đảng, việc “xây” và “chống” phải song hành, kết hợp. “Xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách”. Chống ở đây là chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ; chống tham nhũng, tiêu cực. Trong đó chống tham nhũng, tiêu cực là một trong những nhiệm vụ hàng đầu.

Tổng bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần lưu ý tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và phòng chống tham nhũng; kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những “khoảng trống”, “kẽ hở” để “không thể tham nhũng”.

Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng chống tham nhũng giai đoạn 2013 - 2020 tại Hà Nội và trực tuyến đến hơn 80 điểm cầu trong cả nước diễn ra giữa tháng 12.2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Không phải như một số ý kiến cho rằng nếu quá tập trung vào chống tham nhũng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng sẽ làm giảm sự đổi mới, sáng tạo, làm chùn bước những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung và làm chậm sự phát triển đất nước. Ngược lại, chính nhờ làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng và xây dựng, chỉnh đốn Đảng chỉ làm chùn bước những ai có động cơ không trong sáng, chùn bước những người nhỡ “nhúng chàm” và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu kiến thức, kinh nghiệm, bản lĩnh và dũng khí”. Quan điểm xuyên suốt của Đảng trong phòng chống tiêu cực, tham nhũng là 3 “không”: Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng cũng khẳng định: “Phòng chống tham nhũng là chống giặc nội xâm, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa khó khăn, phức tạp và lâu dài” và “Phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”, một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để “không dám tham nhũng”, một cơ chế để “không cần tham nhũng”.

Trên trang web của Đại hội XIII, Phó Tổng thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho rằng: “Để phòng, chống tham nhũng hiệu quả thì kinh nghiệm quốc tế cũng như những bài học rút ra từ thực tiễn của nước ta đều cho thấy phải thiết lập bằng được cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”, cơ chế phát hiện, xử lý hiệu quả để “không dám tham nhũng” và cơ chế bảo đảm, đãi ngộ hợp lý để “không cần, không muốn tham nhũng”. Để thiết lập được các cơ chế đó thì việc trước hết phải làm là xây dựng và hoàn thiện thể chế. Các chủ trương, chính sách của Đảng về phòng chống tham nhũng phải được thể chế hóa thành pháp luật. Các quy định của pháp luật phải được rà soát, tổng kết, đánh giá, sửa đổi, bổ sung để ngày càng hoàn thiện, kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập, bịt kín những khoảng trống, kẽ hở dễ làm nảy sinh tham nhũng, tiêu cực”.

Trong công tác nhân sự, cán bộ trong tình hình mới, việc đưa ra được những cơ chế khuyến khích để cán bộ “6 dám” và cơ chế phòng ngừa để “3 không” là một nhiệm vụ đảm bảo để có lực lượng cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược hoàn thành tốt nhiệm vụ của Đảng giao phó và kỳ vọng của nhân dân.