Chị Phạm Thị Thuân: Yêu nghề, tận tâm, dám nghĩ, dám làm là chìa khóa dẫn đến thành công

09:27 - Thứ Ba, 02/07/2019 Lượt xem: 541 In bài viết

Trải qua hơn 20 năm đồng hành cùng Bưu điện - Văn hóa xã (BĐ-VHX) Bình Khê (Bưu điện thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh), với lòng yêu nghề cháy bỏng và tính cách dám nghĩ dám làm, chị Phạm Thị Thuân đã đưa BĐ-VHX này trở thành một trong những điểm dẫn đầu về doanh thu và chất lượng phục vụ.

 
 Phạm Thị Thuân - nhân viên BĐ-VHX Bình Khê, Bưu điện thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh
 

Từ những ngày còn học phổ thông trung học, cô nữ sinh Phạm Thị Thuân đã say mê viết bài gửi báo Hoa học trò. Ngày ngày, ngóng đợi những cánh thứ kết bạn từ bốn phương mà anh bưu tá không quản nắng mưa mang đến đã hun đúc nên tình yêu trong chị với ngành Bưu điện từ lúc nào không hay. Tình yêu gắn liền với những lá thư lớn dần theo năm tháng, đến năm 1998, khi BĐ-VHX Bình Khê được thành lập, chị ngay lập tức nộp đơn xin vào làm việc. Lúc này, chị Thuân gặp phải sự phản đối gay gắt từ người cha khi ông không cho đi làm mà muốn chị tiếp tục đi học. Với lập trường vững vàng, cương quyết cộng với tài ăn nói mềm dẻo, khéo léo, cuối cùng chị đã thuyết phục được ông. Làm việc tại BĐ-VHX Bình Khê được 2 năm, để nâng cao trình độ phục vụ cho công việc, chị thi vào trường Trung cấp điện tử điện lạnh Hà Nội khoa bưu chính viễn thông. Sau khi học xong, chị trở về phục vụ và gắn bó với công việc cho tận bây giờ.

Bình Khê là xã miền núi của thị xã Đông Triều, vùng kinh tế mới nên cách đây 20 năm, dân cư thưa thớt với trình độ dân trí không đồng đều. Vì vậy, BĐ-VHX ra đời đã mang đến một điểm sáng văn hóa cho bà con nơi đây. Hằng ngày, công việc của chị Thuân là trực điện thoại, bán tem thư, báo chí, phục vụ người dân đến đọc sách báo và đi phát công văn, giấy tờ, thư báo. Để mỗi người dân biết đến BĐ-VHX, chị nhờ đội ngũ các trưởng thôn tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh chính sách đường lối của Đảng và những lợi ích mà BĐ-VHX mang lại cho người dân. Nhờ đó, người dân đến sự dụng dịch vụ và đọc sách báo mở mang kiến thức ngày càng đông.

Bình Khê bao gồm 14 thôn, trong đó có những thôn nằm sâu trong các hõm núi cách biệt với trung tâm. Ngày trước, 100% đường sá nơi đây là đường đất. Để đến được với những khu vực nằm trong lòng núi chuyển phát giấy tờ, thư báo cho người dân, chị Thuân phải vượt qua các sườn núi đường đất cheo leo trên chiếc xe đạp thô sơ. Vất vả là vậy nhưng chị không bao giờ nản lòng, bởi chứng kiến niềm vui rạng người trên gương mặt của bà con khi nhận được những lá thư gửi về từ phương xa đã tiếp thêm sức mạnh cho chị.

 Từ phục vụ khách hàng đến sư dụng dịch vụ tại BĐ-VHX...
 

Thời gian trôi qua, Bình Khê giờ đây đã thay gia đổi thịt, trở thành xã miền núi phát triển với dân cư đông đúc, những con đường được bê tông hóa thuận tiện đi lại. BĐ-VHX Bình Khê từ ngày được nâng cấp thành BĐ-VHX đa dịch vụ càng gắn bó mật thiết với người dân khi mang đến cho bà con ngày càng nhiều dịch vụ tiện ích. Nhanh chóng bắt kịp với sự thay đổi, chị Thuân không ngừng suy nghĩ tìm ra cách làm hay để phát triển các dịch vụ mới.

Để vượt qua những khó khăn đang bủa vây về sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường bưu chính, với lòng yêu nghề sâu sắc, chị Thuân chưa lúc nào nản lòng mà ngược lại luôn có niềm tin về việc nếu mình tận tâm và làm việc trên cả khả năng vốn có của mình thì chắc chắn thành công sẽ đến.

Chị nhận ra rằng, bên cạnh việc nắm vững vàng nghiệp vụ, điều quan trọng nhất là phải tạo được môi trường thân thiện, ân cần, nhiệt tình, chu đáo để khách đã đến thì không muốn quay về hay sử dụng một dịch vụ thì sẽ tham gia thêm 2-3 dịch vụ nữa. “Để làm được điều này, tôi luôn tự nhắc nhở mình rằng, bất kể tâm trạng bản thân đang như thế nào, luôn tạo thói quen hễ thấy khách vào là niềm nở, tươi cười và phục vụ chu đáo. Vì vậy, dù khách đã sử dụng xong dịch vụ vẫn vui vẻ ngồi nghe mình giới thiệu tiếp về các dịch vụ khác.”, chị Thuân chia sẻ.

Mỗi ngày, bất kể là thứ 7, Chủ nhật hay thậm chí cả ngày nghỉ lễ, thời gian làm việc của chị thường bắt đầu từ 6h sáng kéo dài đến 20h, có khi đến tận 21-22h. Hễ có khách gọi là chị lại lên đường. Không ngồi chờ khách hàng tìm đến mình, chị luôn chủ động giới thiệu và mời người dân trong xã sử dụng các dịch vụ bưu chính, hàng tiêu dùng, bảo hiểm… do Bưu điện cung cấp.

Như với dịch vụ bưu chính chuyển phát, để tìm kiếm và tiếp cận khách hàng, trước tiên, chị tìm hiểu để có kiến thức về mặt hàng khách đang đang kinh doanh. Từ đó, thông qua các mối quan hệ giới thiệu dịch vụ chuyển phát của Bưu điện với khách. Khi khách hàng đã tin cậy, sử dụng dịch vụ thì với mỗi một khách, chị luôn sát sao để hiểu được tính cách, sở thích của mỗi người, từ đó có cách chăm sóc, phục vụ phù hợp làm vừa lòng khách nhất. Mỗi khi đi gom hàng, chị thường dành thời gian bọc gói hàng cùng khách. Ở khâu vận chuyển, mặc dù đường thư cấp xã chỉ có 1 chuyến/ngày nhưng để phục vụ nhu cầu khách hàng, chị đề xuất lãnh đạo hỗ trợ thêm tiền vận chuyển. Bên cạnh đó, vận dụng mô hình BĐ-VHX gia đình nên mỗi buổi chiều, chị phân công người nhà trực tiếp vận chuyển hàng ra Bưu điện huyện. Vì vậy hàng của khách luôn được đảm bảo đúng chỉ tiêu thời gian. “Luôn theo dõi sát sao để đảm bảo một đơn hàng cho khách từ khâu nhận đến khâu phát”, đó là phương châm của chị Thuân để giữ uy tín và lôi kéo khách hàng đến với mình.

 
... đến trực tiếp đến các địa chỉ thu gom, gói học hàng hóa cho khách hàng
 

Còn với các sản phẩm tiêu dùng, để giới thiệu rộng rãi đến mọi người, trong các cuộc họp thôn xóm, chị đều cho bà con dùng thử rồi chiết ra các gói nhỏ tặng họ mang về giớ thiệu cho những thành viên khác trong gia đình. Khi đã có khách hàng, chị thường xuyên gọi điện hỏi thăm, chuyển hàng đến tận địa chỉ khách cần dù chỉ là mộ chai nước rửa bát hay can nước giặt. Với thái độ phục vụ tận tình như vậy, tiếng lành đồn xa khiến khách hàng tìm đến với chị ngày càng đông.

Nhờ những nỗ lực không ngừng của chị Phạm Thị Thuân mà năm 2018, BĐ-VHX Bình Khê đạt doanh thu gần 1,7 tỷ đồng, dẫn đầu 112 BĐ-VHX của tỉnh Quảng Ninh và là một trong những điểm có có doanh thu cao nhất của Bưu điện Việt Nam.

Chị Thuân chia sẻ rằng, chính lòng yêu nghề sâu sắc đã dẫn lối để chị luôn tận tâm với công việc mỗi ngày và không ngừng tìm cách vượt qua khó khăn phục vụ người dân, khách hàng ngày một tốt hơn. Chị là một trong hai cá nhân tiêu biểu của Bưu điện Việt Nam được bộ Thông tin và Truyền thông khen thưởng tại Hội nghị biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2018.

 
http://www.vnpost.vn
Bình luận