Hình thành “bộ não” trong hệ sinh thái giáo dục

02:28 - Thứ Hai, 09/08/2021 Lượt xem: 5164 In bài viết

Thu thập dữ liệu từ các dự án và trên cơ sở “phần khung” VNPT Lâm Đồng thỏa thuận hợp tác về công nghệ thông tin với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng, anh Võ Thế Quang, Tổ trưởng Giải pháp giáo dục, Trung tâm Công nghệ thông tin, Viễn Thông Lâm Đồng cùng cộng sự đã tích hợp, xử lý dữ liệu và kết nối, hình thành Trung tâm điều hành Giáo dục thông minh (IOC vnEdu), được ví như “bộ não” trong hệ sinh thái giáo dục địa phương.

 

Thu thập dữ liệu từ các dự án và trên cơ sở “phần khung” VNPT Lâm Đồng thỏa thuận hợp tác về công nghệ thông tin với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng, anh Võ Thế Quang, Tổ trưởng Giải pháp giáo dục, Trung tâm Công nghệ thông tin, Viễn Thông Lâm Đồng cùng cộng sự đã tích hợp, xử lý dữ liệu và kết nối, hình thành Trung tâm điều hành Giáo dục thông minh (IOC vnEdu), được ví như “bộ não” trong hệ sinh thái giáo dục địa phương.

 
 

Tâm sự cùng Võ Thế Quang tại sự kiện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng phối hợp VNPT Lâm Đồng khai trương, đưa vào vận hành IOC vnEdu tại các cơ quan quản lý về giáo dục và các cơ sở giáo dục - đào tạo địa phương đầu năm 2021, Quang kể, anh sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống nghề giáo. Ông nội và bố anh đều là giáo viên, nên từ thuở cắp sách đến trường, Quang “cảm” được sự cao quý của nghề giáo. “Nhắc nhớ nghề “bụi phấn”, người đầu tiên tôi nghĩ đến là ba mình. Ba tôi là cựu giáo viên, trong ký ức của tôi hình ảnh về người cha hằng đêm luôn cần mẫn, lặng lẽ soạn giáo án, chấm bài cho học trò. Cha tôi luôn nhắc nhỡ, dạy chúng tôi những bài học làm người, làm việc có ích cho xã hội”, Võ Thế Quang chia sẻ. 

Phải chăng, đó là cái duyên để một Kỹ sư Công nghệ thông tin gắn bó với ngành giáo dục? - Tôi hỏi. “Tôi may mắn được công tác, làm việc tại Trung tâm Công nghệ Thông tin - Viễn Thông Lâm Đồng và phụ trách công việc liên quan lĩnh vực giáo dục. Môi trường làm việc làm việc ở đây đầy năng động và sáng tạo, tôn trọng ý tưởng mới. Từ ngày đầu gắn bó với công việc, tôi đã được lãnh đạo đơn vị giao xây dựng và triển khai các dự án liên quan đến giáo dục. Với chuyên môn được đào tạo là kỹ sư công nghệ thông tin, cùng thừa hưởng truyền thống gia đình nhà giáo, công việc đã đến với tôi bất ngờ và đúng là “duyên”, Quang nói.

 
 

Giáo dục thông minh đã và đang tác động mạnh mẽ đến nền giáo dục Việt Nam, các cơ cở sở giáo dục, góp phần đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành giáo dục. Bắt nhịp xu thế, cùng với cái “duyên” với nghề giáo, Võ Thế Quang may mắn đã đặt chân đúng lĩnh vực anh yêu thích, đam mê. Quang chia sẻ chân thành, dự án Trung tâm điều hành giáo dục thông minh (IOC vnEdu), hệ thống này là một phần của các giải pháp mà các anh chị đồng nghiệp Trung tâm Công nghệ Thông tin, Viễn thông Lâm Đồng đã xây dựng trước đó. Đây là một phần trong những giải pháp mà đơn vị đang hợp tác, cung cấp cho Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng, điều đó rất thuận lợi để Quang và cộng sự tiếp tục hình thành và nuôi dưỡng IOC vnEdu. “Trải qua nhiều dự án và với dữ liệu đã thu thập, đầu năm 2021, chúng tôi đã xây dựng hệ thống này, dựa trên việc tích hợp và xử lý dữ liệu nhà trường mà Viễn thông Lâm Đồng đang quản lý”, Võ Thế Quang cho biết.

Năm 2018, VNPT và Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng ký Thỏa thuận hợp tác về công nghệ thông tin, nhằm triển khai một giải pháp chuyển đổi số toàn diện, đáp ứng yêu cầu quản lý trường học, kết nối giữa nhà trường, gia đình và phục vụ liên thông dữ liệu cho nhiều hệ thống khác. Qua đó, tất cả các cơ sở giáo dục tại địa phương đã được VNPT Lâm Đồng hoàn thành kết nối bằng hạ tầng cáp quang, phát triển hạ tầng CNTT hiện đại. Trong đó, hệ sinh thái vnEdu 4.0 đã triển khai cho 473 trường học, quản lý hơn 278 nghìn học sinh trên toàn tỉnh; triển khai các phần mềm quản lý thi nghề phổ thông, văn bằng chứng chỉ, thi học sinh giỏi, xét tốt nghiệp và tuyển sinh trực tuyến; phần mềm quản lý thư viện; hệ thống quản lý văn bản điều hành (E-office). 

Ứng dụng CNTT đã góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý, hoạt động dạy và học, giúp giáo viên nâng cao khả năng tìm tòi, sáng tạo; học sinh hứng thú hơn trong các giờ học, tiếp thu kiến thức đa chiều. Chúng tôi từng tham dự tiết học sinh học tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú - THCS huyện Lạc Dương, Lâm Đồng. Hôm đó, Cil Ka Thy ngồi cuối lớp, em đang tập trung dõi theo nhịp đập trái tim đang được cô giáo trình chiếu trên màn hình, Ka Thy thổ lộ: “Bây giờ đi học vui lắm. Cùng với bài giảng của cô giáo, chúng em được xem những hình ảnh thực tế thật sinh động, được nghe nói tiếng Anh của người bản xứ, hay lắm”.

Võ Thế Quang cũng đã nhiều lần “vào vai” học sinh như chúng tôi, và cả trải nghiệm khâu quản lý trong giáo dục để đưa ra những giải pháp công nghệ tối ưu. Quang giải thích, Trung tâm điều hành giáo dục và hình thành cơ sở dữ liệu địa phương về giáo dục, là thành phần cốt lõi của đột phá trong công tác quản lý, điều hành; cơ sở hạ tầng cho phát triển giáo dục thông minh. Đây là một quá trình rất kỳ công, đòi hỏi sự chính xác, minh bạch. Cơ sở dữ liệu địa phương về giáo dục được liên thông toàn diện cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục, đảm bảo khung chính phủ điện tử trong lĩnh vực này. Đồng thời, hình thành công cụ quản lý các thông tin thu thập và xử lý từ các các hệ thống ứng dụng đã được thiết lập trong từng lĩnh vực cần phải truyền về trung tâm để phân tích, xử lý và ra quyết định.

“Trung tâm điều hành giáo dục hoạt động giống “bộ não” trung tâm, kết nối với các lĩnh vực thành phần, như trường học, lớp học, giáo viên, học sinh, điểm số, nhận xét, điểm danh… cho một cái nhìn toàn diện của hệ giáo dục, để phân tích, xử lý trên cơ sở dữ liệu thu thập được từ các lĩnh vực và từ các nguồn dữ liệu khác, cho phép cấp Sở, cấp Phòng Giáo dục và đào tạo đưa ra quyết định điều hành với thông tin đầy đủ nhất, chính xác và trực tuyến”, Võ Thế Quang cho biết.

Giới thiệu khái lược về IOC vnEdu tại buổi bấm nút vận hành chính thức, Võ Thế Quang nói, IOC vnEdu có chức năng cung cấp các thống kê, báo cáo, tra cứu hồ sơ, đồng bộ dữ liệu bằng công cụ thông minh, trực tuyến; giám sát, đưa ra các cảnh báo đa chiều thông minh, hỗ trợ công tác quản lý, điều hành; tổ chức các cuộc họp thông minh; quản lý lịch công tác theo nhóm đơn vị, tích hợp và triển khai hệ thống quản lý văn bản thông minh, tự động đồng bộ cơ sở dữ liệu lên site của Bộ Giáo dục và Đào tạo, quản lý gửi thông báo đến các cấp đơn vị của ngành giáo dục Lâm Đồng; tạo hệ sinh thái trực tuyến phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu và học tập; cung cấp dữ liệu các dịch vụ giáo dục trên nền Big Data, phục vụ việc khai thác thông tin cho các hệ thống khác. 

Thực tế tại Trường THPT chuyên Thăng Long - Đà Lạt, một trong những nhà trường đầu tiên khởi động hệ thống IOC vnEdu, bước đầu đã nhận được những hiệu ứng tích cực từ phụ huynh và học sinh. Hiện tất cả học sinh tại trường đều sử dụng thẻ đa năng khi bước vào cổng trường. Học sinh dùng thẻ này vào hoạt động điểm danh, vào thư viện, nhận lịch học của nhà trường và phục vụ các công tác thi đua, quản lý của nhà trường... Theo thầy Nguyễn Văn Tưởng, giáo vụ Trường chuyên Thăng Long Đà Lạt, mô hình quản lý này đã nhận được sự đồng thuận cao từ phụ huynh và sự thích thú của học sinh. Giáo dục thông minh giúp nhà trường giám sát, điều hành các hoạt động nhanh chóng, tiện ích và khoa học.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng Phạm Thị Hồng Hải cho biết, nhiệm vụ và giải pháp thời gian tới là xây dựng chương trình số hóa ngành Giáo dục theo Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong ngành Giáo dục giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến năm 2030”. Đồng thời, chọn lọc và ứng dụng các thành tựu cuộc cách mạng 4.0 trong dạy, học và quản lý, hướng tới nền giáo dục thông minh. Sở cũng đang tích cực triển khai và khai thác có hiệu quả Trung tâm điều hành giáo dục thông minh trong toàn ngành. Qua đó, góp phần thực hiện thành công đề án xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố thông minh.

Theo Võ Thế Quang, đến nay, IOC vnEdu đã triển khai chính thức tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng, Quảng Nam, Bình Dương và Khánh Hòa.

Ý tưởng, giải pháp sáng tạo của Võ Thế Quang cùng cộng sự, đã mang lại hiệu quả thiết thực trong quá trình hợp tác giữa VNPT và ngành giáo dục Lâm Đồng, hình thành những giải pháp hữu ích cho hệ sinh thái giáo dục. Việc tôn vinh, khen thưởng kịp thời của Giám đốc Viễn Thông Lâm Đồng, cùng sự hợp tác, động viên của ê-kip Giải pháp giáo dục, đã tiếp thêm năng lượng trên hành trình sáng tạo của kỹ sư Võ Thế Quang. Anh chia sẻ: “IOC vnEdu là nền tảng cho việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, số hóa trong ngành giáo dục. Dù còn nhiều giải pháp, tiện ích cần nghiên cứu, xây dựng và triển khai; song “giáo dục 4.0” là xu thế tất yếu, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước”.

 
Công đoàn VNPT
Bình luận