Tư vấn Pháp luật tháng 12 năm 2020

10:29 - Thứ Tư, 30/12/2020 Lượt xem: 693 In bài viết

 

1. Các dấu hiệu để nhận diện người lao động theo quy định của Bộ Luật lao động 2019:

Trả lời: Khoản 1, Điều 3, BLLĐ 2019 xác định:“Người lao động là người làm việc cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động”. Như vậy, các dấu hiệu để nhận diện NLĐ, bao gồm:

Thứ nhất, người đó làm việc cho NSDLĐ theo thỏa thuận và được trả lương.

Trước đây, BLLĐ 2012 quy định: NLĐ có khả năng lao động/làm việc theo HĐLĐ và được trả lương nghĩa là một trong các dấu hiệu nhận diện NLĐ là phải có QHLĐ dưới dạng HĐLĐ. Tuy nhiên, quy định của BLLĐ 2019 đã mở rộng dấu hiệu nhận diện; theo đó, chỉ cần NLĐ làm việc cho NSDLĐ theo thỏa thuận, thỏa thuận đó có thể tồn tại với nhiều tên gọi khác nhau nhưng chỉ cần chứa đựng nội dung thể hiện việc làm có trả lương.

Thứ hai, phải chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của NSDLĐ.

Đây là dấu hiệu đặc trưng của QHLĐ, nhằm phân biệt QHLĐ với các quan hệ dân sự có nhiều nét tương đồng khác, như: khoán việc, gia công, dịch vụ… Quy định trên được hiểu, nếu NLĐ tham gia vào QHLĐ theo thỏa thuận với NSDLĐ thì bắt buộc phải thuân theo sự điều hành, chỉ đạo, hướng dẫn và có thể bị NSDLĐ xử lý bằng các biện pháp, trách nhiệm kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất theo quy định của BLLĐ.

Thứ ba, phải đủ 15 tuổi trở lên trừ những công việc được sử dụng lao động chưa thành niên theo quy định của Bộ luật này.

--------------------------------------------------

          2. Quyền của người lao động được quy định trong Bộ luật lao động năm 2019 như thế nào?

Trả lời: Theo quy định tại Khoản 1, Điều 5 BLLĐ 2019, NLĐ có các quyền sau:

1. Làm việc; tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp; không bị phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

2. Hưởng lương phù hợp với trình độ, kỹ thuật nghề trên cơ sở thỏa thuận với NSDLĐ; được bảo hộ lao động, làm việc trong điều kiện bảo đảm về AT, VSLĐ; nghỉ theo chế độ, nghỉ hằng năm có hưởng lương và được hưởng phúc lợi tập thể.

3. Thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện NLĐ, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật; yêu cầu và tham gia đối thoại, thực hiện quy chế dân chủ, thương lượng tập thể với NSDLĐ và được tham vấn tại nơi làm việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình; tham gia quản lý theo nội quy của NSDLĐ.

4. Từ chối làm việc nếu có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe trong quá trình thực hiện công việc.

5. Đơn phương chấm dứt HĐLĐ.

6. Đình công.

7. Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

So với BLLĐ 2012, quyền của NLĐ trong BLLĐ 2019 được bổ sung thêm quyền: (1) Từ chối làm việc nếu có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe trong quá trình thực hiện công việc và (2) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

-------------------------------------------------

3. Bộ luật lao động 2019 quy định người lao động có nghĩa vụ gì?

Trả lời: Khoản 2, Điều 5 Bộ LLĐ 2019 quy định, NLĐ có các nghĩa vụ sau đây:

1. Thực hiện HĐLĐ, TƯLĐTT và thỏa thuận hợp pháp khác.

2. Chấp hành kỷ luật lao động, NQLĐ; tuân theo sự quản lý, điều hành, giám sát của NSDLĐ.

3. Thực hiện quy định của pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, BHXH, BHYT, BHTN và AT,VSLĐ.

          So với BLLĐ 2012, nghĩa vụ của NLĐ trong BLLĐ 2019 bổ sung thêm nghĩa vụ thực hiện các thỏa thuận hợp pháp khác.

------------------------------------------

          4. Những hành vi nào người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động?

Trả lời: Điều 17 BLLĐ 2019 quy định, khi giao kết, thực hiện HĐLĐ, NSDLĐ không được thực hiện các hành vi sau:

1. Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của NLĐ.

2. Yêu cầu NLĐ phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện HĐLĐ.

3. Buộc NLĐ thực hiện HĐLĐ để trả nợ cho NSDLĐ.

Quy định cấm NSDLĐ không được buộc NLĐ thực hiện HĐLĐ để trả nợ là điểm mới của BLLĐ 2019 về vấn đề này, nhằm bảo đảm phòng chống lao động cưỡng bức đã quy định trong các Công ước lao động quốc tế cơ bản của Tổ chức lao động quốc tế (ILO).

----------------------------------------

           5. Người sử dụng lao động được quyền chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động trong những trường hợp nào?

Trả lời:

1. Các trường hợp được điều chuyển NLĐ sang làm công việc khác

Theo Điều 29 BLLĐ 2019, NSDLĐ được quyền chuyển NLĐ làm công việc khác so với HĐLĐ trong các trường hợp:

- Khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm;

- Khi áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

- Khi gặp sự cố điện, nước;

- Do nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Trường hợp này, NSDLĐ phải quy định rõ trong nội quy doanh nghiệp.

2. Thời hạn báo trước và thời gian điều chuyển

Khi tạm thời chuyển NLĐ sang làm công việc khác theo các trường hợp trên, NSDLĐ phải báo cho NLĐ biết trước ít nhất 03 ngày làm việc, thông báo rõ thời hạn làm tạm thời và bố trí công việc theo phù hợp sức khỏe, giới tính của NLĐ.

Số ngày chuyển NLĐ làm công việc tạm thời không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm và nếu quá thời hạn này thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của NLĐ.

 

 

3. Tiền lương trong thời gian điều chuyển

NLĐ chuyển sang làm công việc khác so với HĐLĐ được trả lương theo công việc mới. Nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương của công việc cũ thì được giữ nguyên tiền lương của công việc cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc.

Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% tiền lương của công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu.

-----------------------------------------------

          6. Việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động được quy định như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định của BLLĐ 2019, trong quá trình thực hiện HĐLĐ, nếu bên nào có yêu cầu sửa đổi, bổ sung nội dung HĐLĐ thì phải báo cho bên kia biết trước ít nhất 03 ngày làm việc về nội dung cần sửa đổi, bổ sung.

Trường hợp hai bên thỏa thuận được thì việc sửa đổi, bổ sung nội dung HĐLĐ được tiến hành bằng việc ký kết phụ lục HĐLĐ hoặc giao kết HĐLĐ mới.

Trường hợp hai bên không thỏa thuận được việc sửa đổi, bổ sung, nội dung HĐLĐ thì tiếp tục thực hiện HĐLĐ đã giao kết.

           7. Người lao động có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần lý do?

Trả lời:

Theo quy định tại khoan 1 Điều 35 BLLĐ 2019: NLĐ (bao gồm cả NLĐ ký kết loại HĐLĐ xác định thời hạn cũng như HĐLĐ không xác định thời hạn) đều được quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ với NSDLĐ mà không cần có lý do, chỉ cần báo trước một thời hạn nhất định như sau:

- Ít nhất 45 ngày theo HĐLĐ không xác định thời hạn.

- Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo HĐLĐ xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng.

- Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo HĐLĐ xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng.

- Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

 
Ban Chính sách - Pháp luật
Bình luận