Theo đó, UPU đã đánh giá và vinh danh bưu chính 13 quốc gia đã có nhiều cố gắng trong việc ứng dụng CNTT cải tiến chất lượng dịch vụ, chuyển đổi số, phát triển bưu chính bền vững, bao gồm: Argentina, El Salvador, Panama, Kazakhstan, Ukraine, Malaysia, Colombia, Tanzania, Bulgaria, Guyana, Cape Verde, Niger và Việt Nam.
Bưu điện Việt Nam được UPU đánh giá là một trong những cơ quan bưu chính đã tích cực ứng dụng CNTT và chuyển đổi số nâng cao chất lượng dịch vụ đồng thời có định hướng chiến lược phát triển bưu chính xanh như chương trình Smart Locker, CAS… và hành động vì khí hậu như tham gia Hệ thống giảm phát thải khí carbon (OSCAR), Chương trình Phòng chống rủi ro thiên tai.
Lễ vinh danh diễn ra trong khuôn khổ phiên toàn thể Hội nghị Hội đồng Khai thác Bưu chính – Liên minh Bưu chính Thế giới (POC-UPU) lần thứ 1 năm 2024 diễn ra tại Thụy Sỹ từ ngày 22-26/4/2024. Bưu điện Việt Nam do Bà Chu Thị Lan Hương – Phó Tổng giám đốc làm Trưởng đoàn, đã tham dự Hội nghị và đại diện nhận giải thưởng của UPU.
Với sự tham dự trực tiếp và trực tuyến của 192 nước thành viên, Hội nghị POC đã xem xét, phê chuẩn các nội dung quan trọng gồm: dự thảo Chiến lược UPU 2026-2029; báo cáo kết quả thực hiện của các Ủy ban 1, 2, 3, 4, Hiệp hội EMS, Hiệp hội Telematics, UPU*Clearing, .POST, Quỹ QSF và kế hoạch công tác 2022-2025 của POC; các vấn đề trao đổi dữ liệu EAD, Sẵn sàng cho Thương mại điện tử (ORE); việc thiết lập mối quan hệ chính thức của UPU với các tổ chức quốc tế: Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) và liên minh EDISON Alliance (trực thuộc WEF) thúc đẩy các giải pháp số hóa bưu chính toàn cầu; tổ chức Packet Clearing House - PCH về hỗ trợ kỹ thuật hạ tầng Internet và an ninh mạng, triển khai dự án Kết nối bưu chính toàn cầu đến năm 2030 (“Connect Posts”), Cơ quan Thương mại quốc tế (ICC) hỗ trợ xúc tiến thương mại toàn cầu; các đề xuất sửa đổi Hiệp định các dịch vụ thanh toán bưu chính; Thể lệ thi hành Công ước; Quy chế Hội đồng POC.
Kết quả, trong tổng số 115 hạng mục công việc theo Chương trình công tác POC đề ra đến nay đã có 111 hạng mục hoàn thành đúng tiến độ đạt 96,52%, 02 hạng mục gia hạn lần 1 (1,74%); 01 hạng mục gia hạn lần 2 (0,87%) và 01 hạng mục hủy bỏ (0,87%).
Hội nghị ghi nhận các báo cáo nghiên cứu quan trọng hỗ trợ các nước thành viên trong việc nắm bắt xu hướng, phát triển kinh doanh đáp ứng nhu cầu thị trường, cụ thể bao gồm: 1) xu hướng và đánh giá các yếu tố tác động bưu chính quốc tế; 2) kết quả khảo sát thị trường chuyển phát nhanh quốc tế; 3) khảo sát thị trường, khách hàng TMĐT xuyên biên giới.
Trong khuôn khổ Hội nghị POC, UPU đã trao giải thưởng Cuộc thi Tem chơi lần thứ 18 bao gồm giải Vàng dành cho bưu chính 3 nước: Brazil, Nga, Slovakia; giải Bạc là: Argentina, Bosnia, Macao – China; giải Đồng là: Belarus, Bosnia, Romania, Tiểu Vương quốc Emirates.
Hội nghị POC cũng đã xem xét và ghi nhận kết quả bầu 03 trong 05 thành viên của Hội đồng Quỹ Chất lượng dịch vụ (QSF) bao gồm: Ả-rập Xê-út, Thổ Nhĩ Kỳ, CH Liên bang Nga. Hai thành viên đã được bầu theo hình thức bỏ phiếu kín tại Hội nghị là: Ai Cập và George.
Hội nghị cũng ghi nhận kết quả bầu 04 vị trí trong Ban lãnh đạo Hiệp hội EMS gồm 03 đại diện tái đắc cử là: Hoa Kỳ (Bà Mary Anderson), Hà Lan (Ông Joost Magiesien) và Nhật Bản (Ông Yuki Shuto); 01 đại diện đắc cử mới là Romania (Bà Monica Serbanesco); bầu Chủ tịch Hiệp hội EMS là Algeria (Ông Nabil Bensissaid) và Phó Chủ tịch là Singapore (Ông David Kim Yong).
Để kỷ niệm 150 năm ngày thành lập, UPU tổ chức nhiều hoạt động liên quan. Hội nghị POC kêu gọi các nước thành viên tích cực tham gia hưởng ứng bằng nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, đặc biệt trong các hoạt động theo chủ đề đã phát động như: phụ nữ bưu chính, tem về nữ bưu chính tiêu biểu, tuyến đường thư/bưu cục điển hình; lễ kỷ niệm ngày Bưu chính Thế giới (9/10) đáng nhớ; tem bưu chính đặc biệt; gương người bưu chính.
Kết thúc phiên toàn thể, Hội nghị POC thông qua thời gian tổ chức kỳ họp POC tiếp theo từ ngày 28/10 đến 1/11/2024 và thời gian Đại hội UPU lần thứ 28 tại Dubai vào từ ngày 8-19/9/2025.