Tận tụy bước chân người bưu tá vùng cao

12:40 - Thứ Sáu, 05/07/2024 Lượt xem: 729 In bài viết

Hơn 30 năm qua, người dân tại các thôn bản mờ sương nơi vùng sâu, vùng cao xã Nậm Nèn đã quá quen thuộc với hình ảnh người bưu tá ngày ngày rong ruổi trên các nẻo đường, cẩn thận chằng buộc gọn gàng thư, báo, hàng hóa lên xe máy, cần mẫn mang giao đến từng nhà, từng người trong xã.

 
 Anh Tòng Văn Nhiên nhận hàng tại Bưu điện - Văn hóa xã Nậm Nèn vận chuyển đến Bưu điện thị xã Mường Lay
 

Đều đặn mỗi ngày, bất kể ngày mưa hay ngày nắng, đúng 5 giờ sáng, anh Tòng Văn Nhiên, phát xã kiêm nhân viên vận chuyển Bưu điện huyện Mường Chà, Bưu điện tỉnh Điện Biên có mặt tại Bưu điện - Văn hóa xã Nậm Nèn để khai thác hàng hóa người dân gửi hôm trước, chuẩn bị cho hành trình vận chuyển trên những nẻo đường đèo núi. Anh cẩn thận sắp xếp từng lá thư, bưu gửi vào thùng xe và lên đường đến Bưu điện thị xã Mường Lay cách đó 55km.

Nậm Nèn là xã vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn của huyện Mường Chà, cách thành phố Điện Biên Phủ 150km. Đường tới Nậm Nèn lắm dốc cao, vực sâu lại nhiều đoạn đường vô cùng khó đi, sản lượng hàng hóa gửi không nhiều nên những phát xã như anh Nhiên phải tự mình mang thư từ, bưu phẩm của người dân đến Bưu điện thị xã Mường Lay để gửi theo xe thư và nhận các bưu gửi trên tuyến có địa chỉ tại xã Sá Tổng, Pa Ham, Nậm Nèn để giao bưu gửi cho Bưu điện - Văn hóa xã dọc đường đi. Trung bình mỗi ngày làm việc, hành trình giao - nhận của anh Nhiên dài khoảng 110km.

 
 Trung bình mỗi ngày làm việc, hành trình giao - nhận của anh Nhiên kéo dài khoảng 110km
băng qua cung đường lắm dốc cao, vực sâu
 
Chia sẻ về hành trình giao - nhận hàng hóa của mình, anh Nhiên cho biết: Mỗi ngày, anh đi xe máy khoảng 110km. Sau khi nhận bưu gửi từ Bưu điện thị xã Mường Lay, giao hàng cho hai xã là Sá Tổng, Pa Ham trên dọc đường trở về Nậm Nèn, nghỉ trưa và tiếp tục phát hàng đến từng nhà người dân trong thôn, bản mà anh đã quen thuộc như lòng bàn tay. Một ngày bình thường, anh phát hàng đến khoảng 5-6 giờ chiều. Có hôm hàng nhiều hơn hoặc đường đi khó khăn hơn do thời tiết nắng mưa anh kết thúc công việc muộn hơn, vào khoảng 8-9 giờ tối. 
 
 Con đường đi phát bưu gửi tại bản Pa Ham, xã Pa Ham, huyện Mường Chà, Điện Biên gập gềnh sỏi đá
 
Tuyến phát xã Nậm Nèn là một tuyến phát thuộc địa bàn xã khó khăn. Những ngày mưa lớn, đường lầy lội, anh Nhiên phải gửi tạm xe máy và đi bộ vào một số bản xa để phát thư, phát hàng, phát báo đến bà con. Nhiều đoạn đường chưa làm xong, ngày mưa trơn trượt, ngày nắng bụi bay mù mịt, ngày đông sương mù buốt thấu xương đều phải xuống dắt xe, đi bộ. Các điểm phân bố dân cư trong xã cũng thưa thớt, các thôn bản nằm cách xa nhau, nên việc chuyển thư từ, báo chí, hàng hóa mất nhiều thời gian hơn. 
 
 Nhiều đoạn đường, anh Nhiên phải gửi xe, đi bộ để phát thư, phát hàng, phát báo đến bà con trong bản
 
Những năm gần đây, nhận thấy bà con trong xã rất cần những sản phẩm của bưu điện cung cấp như vậy mà các cửa hàng lại ở xa, tranh thủ khoảng thời gian phát hàng, anh luôn giới thiệu thêm các loại bảo hiểm cần thiết như bảo hiểm xe máy, bảo hiểm y tế hộ gia đình, bảo hiểm xã hội tự nguyện,… hay các mặt hàng tiêu dùng để người dân đăng ký mua và trực tiếp mang hàng đến tận nhà trong các chuyến vận chuyển. Cách làm này không chỉ giúp bà con trong thôn xã được sử dụng những sản phẩm tốt, có chất lượng, không phải đi xa mà còn hỗ trợ cải thiện thêm thu nhập cho những nhân viên vận chuyển, phát xã như anh Nhiên. 
 
 Anh Nhiên kết hợp tư vấn sản phẩm bảo hiểm và các mặt hàng tiêu dùng cho người dân trong mỗi lần đi phát
 
Vừa sắp xếp bưu gửi, anh Nhiên vừa kể cho chúng tôi nghe về những câu chuyện khó quên trong cuộc đời làm bưu tá, gắn bó với thôn bản Nậm Nèn của mình. Có lúc là hành trình giao hàng trong cơn bão, mưa lớn tầm tã chặn đứng đường đi tại đoạn đèo Khe, bản Phong Châu, anh cùng với người dân trong bản chặt tre, chẻ gỗ dựng cầu tạm để đem xe, đem hàng đi qua. Có khi là khoảnh khắc vượt suối nước, vượt cung đường đá sạt lở, dù người ướt sũng nhưng luôn đảm bảo hàng hóa nguyên vẹn, không suy suyển, không bị ngấm nước. Có ngày anh bị ngất khi phát hàng do thời tiết nắng nóng cực điểm, người dân hỗ trợ cho miếng nước, chỗ nằm mới dần hồi tỉnh và tiếp tục công việc phát hàng. 
 
 Anh Nhiên vui chung niềm vui của bà con trong thôn, bản xã Nậm Nèn mỗi nhận được những lá thư, gói hàng đến bà con
 

Gian khổ, vất vả và đôi khi hiểm nguy như vậy, suốt hơn 30 năm công tác, anh Nhiên vẫn cần mẫn, miệt mài, dành trọn tình yêu cho công việc và chưa một lần nghĩ đến chuyện dừng lại. Anh chia sẻ về công việc của mình với nụ cười tươi:  “Ở vùng sâu, vùng xa xã Nậm Nèn chúng tôi, Bưu điện gần như là nơi duy nhất để người dân gửi, nhận hàng hóa, thư tín. Những lần đưa cái thư, cái tin, tờ báo đến bà con, họ mừng lắm, quý lắm. Nhìn bà con mà lòng mình nhẹ nhõm và vui lây, mình giống như là một sợi dây kết nối họ với những vùng miền khác của Tổ quốc vậy. Khó khăn đến mấy tôi cũng không ngại”.

 
 Lòng yêu nghề, yêu thôn bản, xóm làng cùng tinh thần sẵn sàng phục vụ cộng đồng đã gắn kết anh với nhiệm vụ của một bưu tá, một phát xã
 
Chính lòng yêu nghề, yêu thôn bản, xóm làng cùng tinh thần sẵn sàng phục vụ cộng đồng đã gắn kết anh với nhiệm vụ của một bưu tá, một phát xã. Hơn 30 năm công tác, không ít lần anh Nhiên được Bưu điện tỉnh Điện Biên khen thưởng bưu tá xã giỏi và được Tổng công ty Bưu điện Việt Nam khen thưởng, tôn vinh lao động xuất sắc, tiêu biểu bởi những đóng góp, hy sinh thầm lặng, cao đẹp của mình. 
 
 Nắng gió Điện Biên không thể làm mờ đi nụ cười luôn thường trực của người bưu tá tận tụy
 
Những người bưu tá, phát xã vùng cao như anh Tòng Văn Nhiên, tuy còn nhiều nỗi niềm trăn trở cùng những vất vả khó có thể tả hết bằng lời; nhưng bằng tình yêu, trách nhiệm với nghề, hàng ngày bước chân của họ vẫn tận tụy mang cánh thư, trang báo, hàng hóa hay kết quả giải quyết các thủ tục hành chính đến với các thôn, bản xa xôi, làm cầu nối thông tin của người dân.  
 
VNPost.vn
Bình luận