'Đội đặc nhiệm' ngày đêm thiết lập điểm cầu trực tuyến cho nguyên thủ

09:21 - Thứ Hai, 05/08/2024 Lượt xem: 15963 In bài viết

Nhân viên Cục Bưu điện Trung ương là những “chiến sĩ” ngày đêm phục vụ việc liên lạc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Công việc của họ là đảm bảo các chỉ đạo từ trung ương luôn thông suốt đến địa phương.

 

Để tìm hiểu về công việc của một đơn vị thông tin đặc biệt trực thuộc Bộ TT&TT, VietNamNet đã tìm đến Cục Bưu điện Trung ương. Đây là đơn vị được giao nhiệm vụ đảm bảo thông tin liên lạc cho các cơ quan Đảng, Nhà nước. 

Cục Bưu điện Trung ương có 3 trung tâm vùng trên cả nước, trụ sở chính đặt tại Quan Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội), trụ sở miền Trung đặt tại trạm T26 Đà Nẵng và trụ sở miền Nam tại trạm T78 ở TP.HCM. Trong đó, đơn vị trực tiếp phục vụ tại Hà Nội là Bưu điện CP16 gồm bộ phận sản xuất như Trung tâm Viễn thông, Trung tâm Bưu chính, và Trung tâm Điện báo, Trung tâm Điều hành Khai thác mạng và phòng Tổng hợp.

Tiếp đón chúng tôi là anh Hoàng Văn Tiến - chuyên viên tổ truyền số liệu, Trung tâm viễn thông Bưu điện Trung ương 16, trực thuộc Cục Bưu điện Trung ương. Gắn bó với đơn vị từ khi mới ra trường, đến nay anh Tiến đã có 22 năm công tác liên tục tại Cục.

Với dáng người rắn rỏi, tác phong nhanh nhẹn, hòa đồng, anh Tiến đã kể cho chúng tôi nghe về công việc lặng thầm của những người đang làm công việc đảm bảo thông tin liên lạc cho các cơ quan Đảng, Nhà nước.

 
 Anh Hoàng Văn Tiến - chuyên viên tổ truyền số liệu, Trung tâm viễn thông Bưu điện Trung ương 16 (Cục Bưu điện Trung ương). Ảnh: Trọng Đạt
 

Công việc phục vụ thông tin cho những người đặc biệt

Thành lập năm 1965, kể từ khi ra đời, Cục Bưu điện Trung ương là cơ quan chuyên đảm bảo thông tin liên lạc, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Trong suốt lịch sử 59 năm hoạt động của mình, đơn vị luôn thực hiện tốt nhiệm vụ truyền tải thông tin, ngay cả trong những năm tháng chiến tranh ác liệt nhất. 

Với thời đại ngày nay, Cục Bưu điện Trung ương luôn đi đầu trong việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào trong các mảng hoạt động về bưu chính, điện báo, điện thoại, mạng truyền số liệu chuyên dùng để phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước, theo đúng tinh thần chỉ đạo về thúc đẩy chuyển đổi số. 

Tổ truyền số liệu, Trung tâm viễn thông Bưu điện Trung ương 16, nơi anh Tiến làm việc là một mảng trong vô vàn công việc của những người làm Cục Bưu điện Trung ương. 

Hằng ngày, ngoài việc phục vụ hội nghị truyền hình cho các cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính phủ, đơn vị này còn có nhiệm vụ xử lý các đường truyền cáp quang, cáp đồng, các kênh truyền số liệu cho các dịch vụ phục vụ các bộ, ban, ngành. Với tính chất công việc đặc biệt của mình, họ được ví như một “đội đặc nhiệm”, ngày đêm lo việc thiết lập các điểm cầu trực tuyến.

Những hy sinh vất vả của người lính thông tin

Được vinh danh là người lao động tiêu biểu của ngành TT&TT năm 2024, anh Hoàng Văn Tiến chính là tấm gương điển hình, cần mẫn, quên mình cho công việc của những người đang công tác tại Cục Bưu điện Trung ương.  

Chia sẻ với phóng viên, anh cho biết, về lý thuyết, một ngày làm việc của anh cũng kéo dài trong 8 giờ như bao viên chức khác. Tuy nhiên, do phải trực tiếp chuẩn bị cho các phiên hội nghị truyền hình, những thành viên của Tổ truyền số liệu, Trung tâm viễn thông Bưu điện Trung ương 16 đều chẳng xa lạ với việc phải làm thêm ngoài giờ, bất kể ngày đêm, thời tiết.

 
 Tổ truyền số liệu, Trung tâm viễn thông Bưu điện Trung ương 16 trong một ca phục vụ hội nghị truyền hình. Ảnh: NVCC
 

Khác với các cuộc gọi video thông thường qua Google Meet hay Zoom, những phiên họp trực tuyến của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước không sử dụng đường truyền Internet dân sự mà được thực hiện trên kênh riêng, thông qua mạng truyền số liệu chuyên dùng (mạng kết nối các cơ quan Đảng, Nhà nước).

Khi có yêu cầu thực hiện những phiên họp trực tuyến của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, anh Tiến lại lên đường, đến trực tiếp tận nơi để “setup” (thiết lập) điểm cầu, đảm bảo phiên họp diễn ra tốt đẹp. Nhiều khi, công việc này sẽ kéo dài đến 9, 10 giờ tối, thậm chí đêm muộn.

Đầu giờ sáng hôm sau, những nhân viên kỹ thuật như anh Tiến lại có mặt từ sớm để tổng duyệt, kiểm tra đường truyền một lần nữa, đảm bảo hội nghị truyền hình diễn ra thông suốt.

Hội nghị ở đâu, mình ở đấy. Khi các bác lãnh đạo họp tại điểm cầu chính ở các tỉnh, bọn anh và thiết bị cũng phải đi cùng để đảm bảo âm thanh, hình ảnh luôn được truyền đi với chất lượng tốt nhất”, anh cho biết. 

Trong năm 2024, anh Hoàng Văn Tiến cùng các cộng sự đã phục vụ 188 phiên truyền hình hội nghị chỉ đạo, điều hành đến các địa phương, đặc biệt có 10 phiên kết nối liên thông 4 cấp đến toàn quốc và 15 phiên ngoại giao với các điểm cầu quốc tế.

Say mê, tự hào phục vụ nguyên thủ lo việc nước

Khi được đặt câu hỏi, anh Hoàng Văn Tiến cho biết, ba từ để miêu tả công việc của mình là: tự hào, yêu thích, say mê. 

Công việc kỹ thuật đòi hỏi nhiều kiến thức chuyên môn, trong khi không phải ai cũng biết hết mọi thứ. Nhưng với người đàn ông này, công việc mang đến niềm vui, nhờ đó anh luôn cảm thấy hứng thú khi không ngừng được học hỏi từ đồng nghiệp để nâng cao trình độ.

 
 Anh Hoàng Văn Tiến (người bên trái) đang triển khai lắp đặt thiết bị phục vụ việc truyền số liệu. Ảnh: NVCC
 

Với lịch làm việc không cố định, anh Tiến cho biết: "Có lúc vợ than phiền rằng mình đi suốt ngày, sáng dậy đã không thấy đâu, tối lại về muộn. Những dịp gia đình tổ chức sinh nhật hay họp mặt, nhiều khi muốn lắm nhưng không thể về kịp do công việc cần mình”. 

Việc làm sao để cân bằng giữa công việc và gia đình là một thách thức lớn với không chỉ riêng anh Tiến mà cả những người cộng sự đang công tác tại Cục Bưu điện Trung ương. Tuy nhiên, vượt qua tất cả, các anh luôn cố gắng san sẻ với nhau để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất của anh Tiến là lần phục vụ Thủ tướng Phạm Minh Chính trong một phiên họp về tình hình dịch Covid-19. Đó là lần anh được ngồi ngay gần ghế chủ tọa, trực tiếp hỗ trợ người đứng đầu Chính phủ kết nối với các xã, huyện để nắm bắt diễn biến dịch bệnh. Đây cũng là khoảnh khắc anh cảm nhận sâu sắc nhất về giá trị của công việc mình đang làm.

Gia đình tôi có truyền thống công tác tại Cục Bưu điện Trung ương. Chính mẹ là người đã định hướng tôi theo ngành này. Tôi không có dự định lớn lao gì, chỉ mong muốn làm tốt công việc và cảm thấy hài lòng với những gì mình đã đạt được”, anh chia sẻ.

Giống như nhiều “người lính” thông tin đang công tác tại Cục Bưu điện Trung ương, anh Hoàng Văn Tiến chính là tấm gương điển hình về lòng say mê, sự tận tụy trong công việc. Dù cống hiến trong thầm lặng, các anh đang đóng góp một phần sức lực để Tổ quốc Việt Nam hùng cường. 

 
 
https://vietnamnet.vn/
Bình luận

Tin khác