Miệt mài những đường thư về bản

09:40 - Thứ Ba, 02/07/2019 Lượt xem: 522 In bài viết

Bất kể trời mưa hay nắng, tháng đủ hay tháng thiếu, mỗi ngày, những bước chân của công nhân vận chuyển Bưu điện huyện Bảo Yên vẫn đều đặn với guồng quay của bánh xe để đem thư, báo, bưu phẩm, bưu kiện đến các điểm bưu điện văn hóa xã đúng thời gian sớm nhất có thể…

 

Yêu thích và muốn gắn bó với nghề

Nguyễn Văn Huỳnh, sinh năm 1985, nhà ở xã Nghĩa Đô, đã hơn 10 năm nay đều đặn mỗi ngày như một lập trình có sẵn, cứ tầm 1 giờ chiều, Huỳnh xuất phát từ nhà gom thư gửi, bưu phẩm, bưu kiện từ điểm văn hóa các xã trên tuyến để mang ra Bưu điện huyện, sau đó chờ xe thư về bộ phận khai thác, phân tuyến, lại tiếp tục quãng đường 41 cây số để đưa thư, báo, bưu phẩm, bưu kiện phát đến điểm bưu điện văn hóa các xã. Huỳnh được giao tuyến đi các xã Tân Dương, Xuân Hòa, Vĩnh Yên, Nghĩa Đô và Tân Tiến. Có những hôm bưu kiện về nhiều, Huỳnh phải một ngày 2 chuyến đi về như vậy, với tổng chiều dài quãng đường phải đi trong ngày là 164 cây số.


 
 Nguyễn Văn Huỳnh buộc hàng cẩn thận trước khi vận chuyển về bưu điện văn hóa xã
 

Vừa nhanh tay xếp gọn thư, báo, bưu phẩm, bưu kiện tiếp nhận từ bộ phận khai thác chuẩn bị cho chuyến đi trong ngày, Huỳnh vừa kể cho tôi nghe về công việc thường nhật của mình. Hơn 10 năm làm nghề vận chuyển, nhưng chưa bao giờ Huỳnh để chậm trễ hoặc thất lạc thư, bưu gửi trong tuyến vận chuyển do mình đảm trách. Trước đây giao thông còn khó khăn, đường đi hơn 40 cây số tuy không phải là quá xa, nhưng gập ghềnh. Vì ngày nào cũng 2 lượt đi về trên tuyến đường từ thị trấn Phố Ràng vào Tân Tiến - xã xa nhất của huyện Bảo Yên, nên Huỳnh thuộc từng ổ gà trên đường. Ngày nắng thì không sao, nhưng ngày mưa gió thì việc vận chuyển rất vất vả. Trung bình, mỗi chuyến vận chuyển bưu gửi nặng từ vài chục kg đến hàng tạ, chất hết trên chiếc xe máy. 3 năm trở lại đây có nhiều bưu gửi, nên công việc của Huỳnh càng bận rộn, có ngày phải chở làm 2 chuyến mới kịp thời gian giao nhận của khách hàng yêu cầu. Hàng hóa cồng kềnh, lại đi quãng đường xa, việc tham gia giao thông cũng tiềm ẩn nguy cơ rủi ro, nên Huỳnh phải rèn cho mình tính cẩn thận, vững tay lái. Nhất là đoạn đường vào xã Tân Tiến, đường cua gấp nhiều, bà con đi lại lấn hết làn đường, nhiều khi đang đi phải dừng hẳn, sau đó chờ người qua mới đi tiếp. Huỳnh nhớ có lần xe máy bị thủng săm, trời lại mưa tầm tã, để không ảnh hưởng đến đường thư về bản, Huỳnh phải dắt bộ xe máy ngược dốc 3 cây số đoạn qua làng Đao, xã Xuân Hòa, mồ hôi ướt đẫm áo.

Huỳnh đến với công việc như một cơ duyên khi trước đây bố vợ anh cũng làm nghề này, nay ông đã nghỉ. Theo chân ông, anh tiếp quản công việc. Hơn nữa, vợ Huỳnh, chị Nguyễn Thị Anh là nhân viên của Bưu điện văn hóa xã Nghĩa Đô, nên hai vợ chồng cũng hỗ trợ cho nhau được trong công việc lúc cần. “Tôi đi làm còn có phương tiện xe máy hỗ trợ, nên đỡ nhiều. Trước đây, bố vợ tôi đạp xe đạp, đường sá không êm thuận như bây giờ mà ông vẫn cần mẫn vượt mưa nắng đưa thư báo về bản đúng lịch” - Huỳnh tâm sự.

Lúc ở nhà, là nông dân bận rộn với đồng ruộng, chăn nuôi, nhưng khi đi làm, Huỳnh là công nhân vận chuyển nhiệt huyết của Bưu điện Lào Cai. Huỳnh bảo: Tôi rất yêu thích công việc này và luôn muốn gắn bó với nghề vận chuyển cho đến lúc nào sức khỏe không cho phép mới thôi, bởi rất nhiều người chờ đợi mong những chuyến thư, chuyến hàng của chúng tôi vận chuyển về. Mọi người nhận được đúng thư, báo, giấy tờ cần thiết hoặc hàng hóa do người thân, bạn bè gửi hoặc mua đúng hàng họ đang cần cũng là niềm vui của mỗi người làm nghề vận chuyển như tôi.

Nghỉ Tết không đi làm cũng thấy nhớ

Hằng ngày phải chở lượng hàng cồng kềnh trên xe, có những lúc đi lại trên quãng đường vắng, rủi ro và những nguy cơ rình rập khác, với Nông Thị Thanh Vững, sinh năm 1986, sinh ra và lớn lên ở xã Xuân Thượng, mới vào nghề được 3 năm, nhưng công việc này đã “ngấm vào máu”. Luôn tâm niệm một điều, làm nghề gì cũng phải vất vả, thế nên đã lựa chọn rồi, mình cố gắng làm tốt công việc của mình. Điều khiến Vững gắn bó với công việc chính là thấy ý nghĩa khi góp một phần công sức của mình để chuyển thư, báo, bưu phẩm, bưu kiện đến được tận tay người nhận, chuyển tiếp giúp người gửi an toàn, đúng lịch.

 
 
 Công việc hằng ngày quen thuộc của Nông Thị Thanh Vững
 

Theo Vững, để làm tốt công việc, mình phải sắp xếp thời gian từ lúc nhận bưu gửi đến lúc giao cho nhân viên bưu điện văn hóa xã, thời gian trên quãng đường đi, đảm bảo sao cho được nhanh, đúng giờ, an toàn, trả hàng đầy đủ. Tất cả các hàng hóa trong hướng tuyến mình phụ trách phải được chuyển đi trong ngày. Vì công việc thường vào buổi chiều, nên hằng ngày Vững phải nhờ người đón con lúc tan học, chủ động sắp xếp thời gian làm việc nhà vào buổi sáng để thuận lợi cho công việc của mình.

Thời gian trước, khi các xe thư về muộn, có những hôm phải tối muộn mới về đến nhà. Mùa hè thì không sao, những khi mùa đông, hôm mưa rét phải di chuyển trên đường thì không hề đơn giản. “Thân gái dặm trường”, Vững không ít lần phải đối mặt với những lo lắng như đường vắng, bị trêu ghẹo… Vững kể: Tôi được giao tuyến đi các xã Lương Sơn, Long Phúc, Long Khánh, Việt Tiến, trong thời gian tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai ngưng trệ do sự cố, tất cả xe tải đi theo Quốc lộ 70 qua Bảo Yên, nhiều hôm tắc đường hàng tiếng đồng hồ đã ảnh hưởng đến thời gian vận chuyển bưu gửi về xã. Có hôm mưa lũ, tuyến đường vào xã bị tắc do nước ngập không qua được, tôi phải nhờ người chuyển bưu gửi, thư báo qua mảng nứa…

Với sức vóc của phụ nữ “chân yếu tay mềm” như Vững, hằng ngày vượt quãng đường 68 cây số cả đi và về dưới mưa nắng, trên xe hàng hóa cồng kềnh, phải thực sự yêu thích công việc mới làm được. Công việc đơn thuần là chở bưu gửi, thư báo, ngày nào cũng như ngày nào, Vững luôn cố gắng đến đúng giờ và hoàn thành tốt yêu cầu của công việc theo tuyến đường thư được giao. “Mình làm công việc này quen, ngày nào cũng đi, nên dịp Tết vừa rồi được nghỉ mấy ngày cũng thấy nhớ”.

Luôn tạo điều kiện tốt nhất

Mặc dù chỉ là lao động thuê khoán của Bưu điện huyện, nhưng cả Huỳnh và Vững đều tâm sự rằng, cũng có nhiều lời mời gọi từ các công ty, các hãng làm dịch vụ chuyển phát khác với mức lương hấp dẫn hơn hiện tại, nhưng cả hai vẫn muốn gắn bó với công việc ở đây. Phần vì cũng quen việc, phần vì Bưu điện huyện luôn tạo điều kiện tốt cho công việc, thời gian làm việc cũng phù hợp, ngoài ra cả hai đều tranh thủ làm thêm việc nhà và một số công việc khác khi thời gian rảnh rỗi.

Anh Ma Tiến Đạt, Giám đốc Bưu điện huyện Bảo Yên chia sẻ: Trên địa bàn huyện, đường thư được phân thành 3 hướng đi các xã. Ngoài Huỳnh và Vững, Bưu điện huyện Bảo Yên còn có một công nhân vận chuyển tuyến thư, báo lên các xã Thượng Hà, Điện Quan, Kim Sơn… Những công nhân vận chuyển này đều được Bưu điện huyện tạo điều kiện làm việc tốt nhất, đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thân thể, được trợ cấp tiền thưởng trong những dịp lễ, tết. Đặc biệt, các trang bị bảo hộ lao động, như áo chống tia cực tím, giày, mũ, găng tay đều được phát đủ, đảm bảo cho công nhân vận chuyển yên tâm khi nhận nhiệm vụ. Hằng năm, Bưu điện huyện luôn tạo điều kiện để những công nhân bộ phận vận chuyển được đi tập huấn nghiệp vụ để nhận diện các mã vận đơn, ký hiệu thư, báo, chuyển phát nhanh EMS, bưu phẩm bảo đảm (ghi số) và bưu kiện… để thuận lợi trong việc vận chuyển, đảm bảo kịp thời, đầy đủ, chính xác và lưu thoát hết khối lượng bưu gửi trong ca/ngày làm việc.

Dù có trang bị đầy đủ và chế độ đãi ngộ, nhưng điều kiện quan trọng là sự tâm huyết và yêu nghề của những người như Huỳnh và Vững. Họ chính là những “nông dân khoác áo bưu điện”, ngày qua ngày vẫn miệt mài đường thư, thật đáng trân trọng.

 
THANH NAM/BÁO LÀO CAI ĐIỆN TỬ
Bình luận