Nhân viên bưu điện tận tâm với nghề

10:00 - Thứ Ba, 02/07/2019 Lượt xem: 2027 In bài viết

Năng động, nhiệt huyết, hết lòng vì công việc nên suốt 13 năm gắn bó với nghề, chị Nguyễn Thị Hữu, Trưởng Bưu điện - Văn hóa xã (BĐVHX) Tân Thành, huyện Bắc Sơn đã chinh phục được hàng nghìn khách hàng, đưa BĐVHX trở thành điểm đến quen thuộc, gần gũi với mọi người dân.

 
 
Chị Nguyễn Thị Hữu (bên phải) giới thiệu sản phẩm gia dụng cho khách mua hàng
 

Chị Hữu sinh năm 1985 tại thôn Tân Vũ, xã Tân Thành, huyện Bắc Sơn trong một gia đình có 5 chị em gái. Năm 2004, tốt nghiệp phổ thông, chị Hữu học lớp cơ bản về công nghệ thông tin. Sau đó, chị học Trường Công nhân Bưu điện ở Thái Nguyên. Từ tháng 1/2006, chị Hữu nhận việc ở BĐVHX Tân Thành. Thời điểm đó, công việc hằng ngày của chị chỉ là trực điện thoại và nhận gửi giấy tờ; bưu phẩm gửi đi hầu như không có.

Năm 2010, khi điện thoại di động bắt đầu phát triển, nhu cầu sử dụng thẻ điện thoại nhiều, tại BĐVHX bán thêm thẻ viễn thông. Tuy nhiên, tính cả việc phát báo và bán thẻ doanh thu cũng chẳng được là bao nên thu nhập của nhân viên bưu điện hồi đó rất hạn chế. Chính vì vậy, tranh thủ ngoài giờ làm việc, chị Hữu lại chạy chợ để kiếm thêm thu nhập, mong được bám trụ với nghề.

Chị Hữu chia sẻ: Trải qua quãng thời gian “trầm lắng” của BĐVHX, năm 2013, toàn hệ thống bưu điện bắt đầu đổi mới. Từ đó, tôi được tham gia rất nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ của ngành ở Tổng công ty, ở Bưu điện tỉnh. Những ngày đầu đổi mới, tôi gặp nhiều khó khăn, trong đó, khó khăn lớn nhất là phải thay đổi cách làm “truyền thống”. Bởi trước đây vốn chỉ quen việc có khách thì phục vụ, không có khách thì thôi. Nhưng từ khi đổi mới thì tư duy và cách làm cũng phải “đổi mới”, năng động, hoạt bát hơn để thích nghi với nhịp mới của công việc như chủ động tiếp cận khách; tư vấn nhiệt tình hơn;  thậm chí đến gõ cửa từng nhà…

Theo đó, từ năm 2013, chị Hữu thường tranh thủ thời gian cuối giờ chiều vừa đi phát báo, vừa đến từng nhà tuyên truyền, vận động bà con mua thẻ bảo hiểm y tế; bảo hiểm nhân thọ; hướng dẫn; làm hồ sơ, hợp đồng bảo hiểm cho khách hàng ngay tại nhà. Cùng với đó, tăng cường việc kết nối với các cộng tác viên cơ sở là các chủ cửa hàng tạp hóa nhỏ trong xã để đẩy mạnh bán thẻ viễn thông.

Tháng 5/2016, BĐVHX Tân Thành chính thức trở thành điểm đa dịch vụ với nhiều dịch vụ mới phát sinh như: tài chính bưu chính; phân phối truyền thông; hàng tiêu dùng… Tận dụng giờ nghỉ trưa, giờ giao hàng buổi tối, chị Hữu lại tiếp tục đến từng thôn, bản tuyên truyền vận động người dân sử dụng các dịch vụ mới của bưu điện như: cấp đổi giấy phép lái xe; gửi tiền tiết kiệm.

Bà Triệu Thị Loan, thôn Bình An 1, xã Tân Thành, huyện Bắc Sơn cho biết: Từ năm 2016, được cháu Hữu tư vấn, giới thiệu, tôi thường xuyên sử dụng các dịch vụ; sản phẩm của bưu điện như: gửi tiết kiệm, mua đồ gia dụng… Cháu Hữu rất nhiệt tình, hòa nhã nên người dân chúng tôi rất hài lòng và yêu mến.

Ông Triệu Văn Sỹ, Trưởng phòng Hành chính Bưu điện tỉnh cho biết: Chị Hữu, Trưởng BĐVHX Tân Thành, huyện Bắc Sơn là người có nhiều năm liền gắn bó với vị trí nhân viên BĐVHX. Trong suốt thời gian công tác, đặc biệt là trong khoảng 5 năm trở lại đây, chị Hữu là một tấm gương điển hình về sự chịu khó, nhiệt tình, đột phá, phát triển đồng đều các dịch vụ; đi đầu trong các BĐVHX trên toàn tỉnh. Từ năm 2013 đến nay, BĐVHX Tân Thành, huyện Bắc Sơn do chị Hữu phụ trách đã có những bước tăng trưởng ngoạn mục với doanh thu trung bình từ 45 – 50 triệu đồng/tháng/điểm. Thậm chí, có những thời điểm tổng doanh thu của điểm đạt tới 75 triệu đồng/tháng; doanh thu quý đạt từ 160 – 190 triệu đồng/quý (cao nhất trong toàn hệ thống).  Năm 2018, nhân dịp kỉ niệm 20 năm thành lập BĐVHX, chị Hữu là một trong 20 nhân viên BĐVHX trên toàn quốc vinh dự được nhận bằng khen của Bộ Thông tin và Truyền thông vì có thành tích xuất sắc trong xây dựng và phát triển BĐVHX, góp phần vào sự phát triển ngành Thông tin và Truyền thông Việt Nam.

 
NGUYỄN PHƯƠNG/BÁO LẠNG SƠN ĐIỆN TỬ
Bình luận