Đoàn viên Công đoàn Trung tâm Mạng lưới MobiFone miền Nam vào “trận chiến”

03:49 - Thứ Năm, 05/08/2021 Lượt xem: 5031 In bài viết

Trận chiến ở đây không khói lửa, không mùi thuốc súng, chỉ có mùi thuốc sát khuẩn, những y lệnh sắc gọn, tiếng monitor “tích tích” theo dõi nhịp tim...và cả những sự im lặng đáng sợ.

 
 

         Những “chiến sĩ thầm lặng” của chúng tôi – Trung tâm mạng lưới MobiFone miền Nam (Trung tâm MLMN) đã góp phần trên mặt trận thông tin, đảm bảo an toàn chất lượng thông tin liên lạc cho các guồng máy hoạt động nhịp nhàng, góp phần hỗ trợ các “chiến sĩ Áo trắng” đang ngày đêm từng phút từng giây dành lại sự sống cho những bệnh nhân đang bước một chân vào cửa tử.

            Đợt bùng phát dịch thứ tư lần này ngày càng dữ dội, chỉ trong một thời gian ngắn, con số nhiễm bệnh trong một ngày tăng vọt từ vài chục người lên đến vài trăm người và bây giờ là gần chục ngàn người. TP.Hồ Chí Minh và 18/22 tỉnh thành phía Nam đã áp dụng biện pháp mạnh như Chỉ thị 16 nhưng không biết liệu con số có dừng ở đây hay vẫn tiếp tục gia tăng!

            Sài Gòn im ắng, Sài Gòn cố thủ, thỉnh thoảng tiếng còi xe cứu thương vang lên, xé toang sự tĩnh mịch của đường phố, gieo vào lòng người những nỗi xót xa...đâu đó lại có những bệnh nhân Covid nhập viện. Cuộc sống thay đổi, mọi thứ thay đổi, người ta sợ gặp nhau, đi đâu cũng cảm giác gặp F0, lưu thông di chuyển khó khăn, mưu sinh nhọc nhằn, muôn vàn vất vả.

            Thế nhưng có một số thứ không thể thay đổi, đó là công việc vận hành kỹ thuật (VHKT), ứng cứu thông tin (ƯCTT), đó là việc đảm bảo vùng phủ và chất lượng mạng lưới thông tin ở khu vực phía Nam, đặt biệt là địa bàn TP.HCM nơi đang là tâm dịch lớn nhất của cả nước. Khi có sự cố xảy ra, người ta lại cần chất lượng mạng lưới hơn bao giờ hết. Nhiệm vụ của chúng tôi là giữ an toàn mạng lưới, đảm bảo vùng phủ và chất lượng sóng bất kể ngày hay đêm, nhất là trong thời điểm này khi mà càng có nhiều những khu cách ly, phong tỏa, bệnh viện dã chiến, bệnh viện cứu chữa, hồi sức mới thành lập. Nhiệm vụ của chúng tôi còn là bảo toàn lực lượng, bảo vệ anh em tránh sự lây nhiễm để có thể duy trì và thậm chí là có thể phát triển mạng lưới ở thời điểm khó khăn này. Điều này cũng đồng nghĩa với việc anh em phải làm việc nhiều hơn, cẩn thận hơn, sáng tạo hơn, mạo hiểm hơn, gánh nặng trọng trách trên vai Lãnh đạo vì thế cũng nặng nề hơn, căng thẳng hơn, sát sao hơn, cùng kề vai sát cánh với anh em, vượt qua khó khăn, hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.

            Dự đoán trước tình thế, “Bộ tham mưu” của Trung tâm MLMN đã họp (qua MobiFone Meeting) để đưa ra những đối sách, kế hoạch, kịch bản khi có sự cố xảy ra, những kế hoạch A, B... được thiết lập.

            Khi cuộc chiến bắt đầu, tất cả vào vị trí chiến đấu. Từ “Trụ sở Chỉ huy”, “Quân lệnh” được ban hành: để bảo toàn lực lượng, nhân sự tại các Tổ viễn thông hoạt động theo phương án 50% đến văn phòng, 50% onsite tại các trạm, tránh gặp nhau để không lây nhiễm chéo; Tuân thủ nguyên tắc 5K; Chích ngừa vaccine Covid-19; Đảm bảo thực phẩm, nhu yếu phẩm cho anh em tại văn phòng các Tổ viễn thông phòng trường hợp bị cách ly, phong tỏa; Làm việc với các cơ quan chức năng để đảm bảo điện lưới xuyên suốt cho các trạm; Không những nhân viên Trung tâm MLMN mà nhân viên của đối tác cũng phải giữ gìn sức khỏe để đảm bảo công việc VHKT, ƯCTT của Trung tâm không bị gián đoạn; Đảm bảo nguồn dự phòng và nhiên liệu cho máy phát điện nhất là tại các Node quan trọng; Đảm bảo đầy đủ thiết bị ƯCTT tại kho ở các tổ viễn thông và sẵn sàng trên xe để triển khai nhanh khi có sự cố xảy ra...

            Chưa kể khu vực phía Nam, chỉ riêng TP.HCM có trên 3.598 điểm phong tỏa, 34 bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị và hồi sức Sars-CoV-2. Có bao nhiêu điểm nóng thì bấy nhiêu nỗi lo của anh em chúng tôi. Đây cũng là địa bàn phụ trách của Đài viễn thông Đông và Đài viễn thông Tây HCM.

            Càng bị phong tỏa, thì người dân lại càng cần thông tin liên lạc để không bị cô lập với thế giới bên ngoài. Từ Phòng Vô tuyến, kế hoạch được chuyển xuống, các anh em nhanh chóng vào cuộc.

            Các nhóm làm việc theo ca để tránh lây nhiễm. Tại các khu vực phong tỏa, khi cần, nguồn vật tư thiết bị được đưa vào thông qua các chốt kiểm soát để phục vụ cho các trạm bên trong, nhưng nan giải nhất vẫn là vấn đề nhân sự, anh em một khi vào đó cũng sẽ bị cách ly và phải chờ hết lệnh phong tỏa mới được ra ngoài trong khi còn quá nhiều công việc tại các trạm khác. Giải pháp đưa ra là anh em nào có nhà nằm trong khu phong tỏa thì có trách nhiệm lo cho các trạm ở đó. Một số khu phong tỏa dễ chịu hơn, ít nguy hiểm hơn, anh em có thể mặc đồ bảo hộ, mang theo đầy đủ giấy tờ, giấy xét nghiệm âm tính...vẫn có thể vào và ra được. Đó còn là chưa kể đến, giao thông vận chuyển thiết bị khó khăn, mặc dù đã có xe của Trung tâm nhưng cùng lúc có nhiều trạm cần ƯCTT thì anh em phải tự dùng xe máy chở theo thiết bị cồng kềnh, đi qua biết bao nhiêu chốt gác, được các chú công an quan tâm, hỏi han giấy tờ. Trời thì nóng, tâm lý lại sợ bị lây dịch, chẳng hề thú vị chút nào!

            Cũng có nhiều trường hợp dở khóc dở cười, trong mùa dịch cao điểm, việc ƯCTT ở các nhà trạm gặp không ít trở ngại, người dân sợ tiếp xúc, nhất quyết không cho anh em vào trạm, ngoài việc mặc quần áo bảo hộ, khẩu trang kín mít giữa trời nắng nóng như thiêu đốt của khí hậu miền Nam, anh em lại phải dốc hết khả năng diễn thuyết, trình bày công văn các thể loại nhờ vậy mới được vào trong. Qua mùa dịch này, kỹ năng thuyết phục của anh em vì thế cũng cao hơn một bậc.

            Còn ở tại các bệnh viện dã chiến, các bệnh viện mới thành lập để chữa trị và hồi sức bệnh nhân Covid thì sao? Nhiều thuê bao tập trung tại một khu vực, lưu lượng tăng đột ngột, cần phải gấp rút đưa thêm nhiều xe phát sóng lưu động vào phục vụ, điều động thiết bị ở những khu vực ít thuê bao hơn sang khu vực trọng điểm đặc biệt này. Các Đài viễn thông thực hiện giám sát chặt chẽ KPI, hiệu chỉnh Anten để có hiệu quả cao nhất...

            Chỉ nói riêng khu vực Bình Khánh, TP.Thủ Đức với 12 bệnh viện dã chiến và trên 35 nghìn F0 thì Đài Viễn thông Đông đã phải bố trí đến 6 xe phát sóng lưu động, anh em trong thời gian ngắn phải huy động nguồn thiết bị, lắp đặt ngay trong lòng các bệnh viện dã chiến với nguy cơ lây nhiễm cao, trời lại không chiều lòng người, trong những ngày lắp đặt, buổi sáng nắng gắt thì chiều đã có mưa bão, gió giật. Để một xe phát sóng lưu động thành công, ngoài việc lắp đặt thiết bị, cần phải có nguồn điện từ cơ quan điện lực thành phố, cáp quang của đối tác viễn thông và vị trí tối ưu đặt xe phát sóng. Với mục tiêu “Đánh nhanh – Rút gọn”, các anh em đã làm việc bất kể thời gian, chín mười giờ tối hoàn thành xong là đã thở phào nhẹ nhõm.

            Làm cho anh em cảm động và ấm lòng hơn cả đó là sự hỗ trợ nhiệt tình, vô điều kiện của các đơn vị trong và ngoài Trung tâm như Công ty điện lực lắp đồng hồ điện trước, hồ sơ chờ bổ sung sau, cáp quang của đối tác viễn thông thành phố, ban quản lý bệnh viện dã chiến giúp khảo sát vị trí đặt trạm phát lưu động,Phòng Kế toán xuất kho nhanh thiết bị, Phòng Vô tuyến hỗ trợ điều chuyển nguồn thiết bị, vị trí tối ưu đặt trạm, theo dõi chất lượng sau khi phát sóng..., Phòng Truyền dẫn giúp lên phương án truyền dẫn, Phòng Tổ chức hành chính hỗ trợ điều chuyển xe lưu động và bố trí bảo vệ thiết bị trong suốt quá trình phát sóng xe lưu động này, họ đã hỗ trợ lập tức ngay khi anh em cần, bất kể giờ giấc, không có khái niệm ngày nghỉ cuối tuần.

            Công đoàn Trung tâm MLMN đã kịp thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ cần thiết, nhất là đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, để đoàn viên, người lao động an tâm. Kịp thời vận động, chia sẻ để đoàn viên, người lao động bĩnh tĩnh, không hoang mang, lo lắng; đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và điều hành của Nhà nước, Tổng công ty; quyết tâm cao, nỗ lực vượt khó, chia sẻ đối với khó khăn chung của đất nước; không để các thế lực thù địch lợi dụng, kích động, lôi kéo đoàn viên, người lao động gây mất an ninh - trật tự và an toàn xã hội.

            Khi có sự cố xảy ra mới thấy sự đồng lòng, đoàn kết, phối hợp ăn ý nhịp nhàng giữa các bộ phận là quan trọng, không những công việc hoàn thành nhanh chóng, phục vụ tốt cho công tác chống dịch của thành phố, nâng cao vị thế của MobiFone trên địa bàn mà đó còn là nguồn động viên, khích lệ tinh thần cho anh em đang làm việc ở tuyến đầu.

            Ngoài việc phục vụ cho công tác chống dịch ở khu vực phía Nam thì Trung tâm MLMN còn phải song song phát triển mạng, hoàn thành tốt các chỉ tiêu đã đặt ra cho 6 tháng đầu năm như mở rộng vùng phủ Metro quận huyện đạt 80/75 %, quang hóa trạm đạt 85.3/85 % kế hoạch, vượt kế hoạch xử lý điểm đen, vượt kế hoạch nâng cấp Ring CSG lên 10G...

            Vận hành khai thác, ứng cứu thông tin, phát triển SXKD trong điều kiện bình thường đã khó nay lại càng khó hơn. Nhưng với sự đồng lòng, nhất quán từ cấp lãnh đạo đến cán bộ công nhân viên, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng trong trận chiến này.

               Một số hình ảnh: 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Công đoàn MobiFone
Bình luận