Để chuyển đổi số hoạt động Công đoàn dễ dàng

08:56 - Thứ Hai, 04/12/2023 Lượt xem: 749 In bài viết

TTTĐ - “Chuyển đổi số của Công đoàn Việt Nam là một phần tất yếu trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia và càng đặc biệt trong tiến trình Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế”.

 
Đó là khẳng định của ông Phạm Quang Hưởng, Phó Chủ tịch Công đoàn Thông tin và Truyền thông Việt Nam tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2023 - 2028.

Trước tiên là chuyển đổi nhận thức

Phó Chủ tịch Công đoàn Thông tin và Truyền thông Việt Nam Phạm Quang Hưởng, cho rằng, thực hiện thành công chương trình chuyển đổi số Quốc gia đòi hỏi các Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương phải quyết tâm thực hiện để tạo bước đột phá. Công đoàn Việt Nam không thể nằm ngoài xu thế đó, phải từng bước thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động của tổ chức Công đoàn, góp phần phát triển Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, đồng thời nâng cao vị thế của tổ chức trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.

  
Phó Chủ tịch Công đoàn Thông tin và Truyền thông Việt Nam Phạm Quang Hưởng tham luận
 

Theo ông Phạm Quang Hưởng, chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức, bởi nhận thức đóng vai trò quyết định. Công nghệ chỉ là kỹ thuật, công cụ phục vụ quá trình chuyển đổi số. Vì vậy, trong quá trình chuyển đổi số tổ chức Công đoàn thì việc tuyên truyền, quán triệt để có nhận thức đúng đắn về chuyển đổi số phải được quan tâm hàng đầu.

Theo đó cần thực hiện chuyển đổi nhận thức về sứ mệnh, sự cần thiết, tính cấp bách của chuyển đổi số trong hoạt động của tổ chức Công đoàn, lan truyền từ lãnh đạo cấp trên đến cấp dưới, đoàn viên, từ cá nhân nòng cốt đến cộng đồng, từ những mô hình thành công, điển hình đến cá nhân, đơn vị còn chần chừ, ngại thay đổi.

Biến khó thành dễ

Ông Hưởng cho rằng, nhiều người lo lắng và thực tế có nhiều cơ quan, đơn vị rất lúng túng khi đã nhận thức rõ chuyển đổi số là quan trọng, cần thiết, cấp bách nhưng làm thế nào?

Câu trả lời là: Khi đã có nhận thức rõ ràng và quyết tâm chính trị về chuyển đổi số, thì bước tiếp theo, chúng ta chọn một số doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam làm đối tác. Công việc của chúng ta chỉ là đưa ra yêu cầu, đặt ra bài toán, hay cụ thể là nói rõ mình cần gì, muốn gì để doanh nghiệp công nghệ số thực hiện, đưa ra lời giải. Như vậy, chúng ta đã biến một việc rất khó, rất phức tạp trở thành việc dễ, việc đơn giản.

Việt Nam là một trong những quốc gia có đội ngũ doanh nghiệp công nghệ số mạnh và có trình độ cao. Đội ngũ doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam hiện nay đủ sức giải quyết các bài toán chuyển đổi số của Công đoàn trong một thời gian ngắn cũng như việc đảm bảo hạ tầng số, đảm bảo an toàn thông tin.

 
 Phó Chủ tịch Công đoàn Thông tin và Truyền thông Việt Nam Phạm Quang Hưởng cho rằng việc xây dựng cơ sở dữ liệu đoàn viên Công đoàn có thuận lợi rất lớn
 

Phát triển một nền tảng dùng chung

Để có những đột phá về chuyển đổi số trong hệ thống tổ chức Công đoàn, ông Hưởng đề xuất cần phát triển một nền tảng dùng chung.

Công đoàn Việt Nam là một tổ chức rộng lớn, với trên 123.000 Công đoàn cơ sở và hơn 11 triệu đoàn viên. Nếu không dùng công nghệ thì rất khó quản lý và phát triển, vậy nên bắt đầu chuyển đổi số bằng việc phát triển một nền tảng dùng chung cho tất cả các cấp Công đoàn.

Hiện nay, các Công đoàn ngành, Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố đang sử dụng nhiều phần mềm khác nhau, không đồng bộ nên khó tích hợp đối trong quản lý và cũng khó cho người khai thác. Nếu có một nền tảng số dùng chung thì tất cả các tổ chức Công đoàn từ Trung ương đến cơ sở sẽ dùng chung, không phải đầu tư riêng lẻ.

Do có dữ liệu tập trung nên không cần cấp dưới phải làm nhiều báo cáo cấp trên nữa. Bên cạnh đó, cùng làm việc trên một nền tảng nên Tổng Liên đoàn cũng nhìn thấy, giám sát online được hoạt động của tất cả hơn 123.000 Công đoàn cơ sở; đồng thời đây cũng là công cụ để Công đoàn các cấp lắng nghe, tiếp thu, giải quyết những ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên.

Sử dụng dữ liệu lớn, dữ liệu tập trung

Với hơn 11 triệu đoàn viên thì phải xây dựng cơ sở dữ liệu đoàn viên Công đoàn một cách tập trung và xuyên suốt, có sự phân cấp, phân quyền rõ ràng đối với từng cấp Công đoàn. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu đoàn viên Công đoàn có thuận lợi rất lớn là dùng lại được nhiều trường thông tin của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và bảo hiểm. Việc tiếp theo cần làm là cấp thẻ đoàn viên, để làm nhanh và rẻ thì nên làm thẻ số trên điện thoại di động.

Có được dữ liệu lớn, dữ liệu tập trung là cơ sở để chúng ta dùng công nghệ để phân tích hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng cũng như xu hướng của số đông đoàn viên hay từng nhóm đối tượng cụ thể. Hiện nay, khả năng nhìn, hiểu và tương tác với thế giới xung quanh của máy tính đang phát triển rất nhanh. Khi lượng dữ liệu lớn mà chúng ta tạo ra tiếp tục phát triển theo cấp số nhân thì khả năng xử lý và phân tích của máy tính cũng sẽ tăng lên tương ứng, đưa ra các dự đoán từ dữ liệu hoặc khám phá ra các thông tin có giá trị.

 
 Các đại biểu tham dự Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam
 

Sử dụng trí tuệ nhân tạo, trợ lý ảo

Chúng ta chỉ có khoảng 7.000 cán bộ Công đoàn chuyên trách. Như vậy, bình quân mỗi cán bộ phụ trách hơn 1.500 đoàn viên thì rất thiếu lực lượng tư vấn và trợ giúp pháp lý cho các đoàn viên, người lao động. Giải pháp cho bài toán này là sử dụng trợ lý ảo.

Tổng Liên đoàn cần xây dựng một trợ lý ảo. Trợ lý ảo có thể hoạt động liên tục không kể ngày đêm, nhiều người có thể hỏi cùng lúc, bằng ngôn ngữ nói tự nhiên và thông qua điện thoại thông minh. Toàn bộ tri thức hỗ trợ pháp lý của Công đoàn sẽ được đưa vào trợ lý ảo này.

Dựa trên các tình huống mà các đoàn viên hỏi, trợ lý ảo sẽ tiếp tục học hỏi và ngày càng thông minh hơn. Với hiện trạng đội ngũ tư vấn viên pháp lý của Công đoàn vừa ít, vừa không đồng đều về trình độ, nếu sử dụng trợ lý ảo thì chỉ cần và chỉ còn một với trình độ xuất sắc nhất, cùng lúc đáp ứng yêu cầu của hàng ngàn người.

Như vậy, với sự trợ giúp của trợ lý ảo, mỗi tư vấn viên pháp lý của Công đoàn có thể hỗ trợ nhiều đoàn viên hơn và chỉ tập trung vào những công việc cuối cùng mà trợ lý ảo không làm được. Đó là phương cách hỗ trợ hiệu quả cho các đoàn viên, người lao động khi có vấn đề tranh chấp cần trợ giúp pháp lý…

Theo Phó Chủ tịch Công đoàn Thông tin và Truyền thông Việt Nam:

“Việc xây dựng “Đề án chuyển đổi số của Tổng Liên đoàn giai đoạn 2022- 2025, tầm nhìn đến năm 2030” và ban hành “Chương trình chuyển đổi số toàn diện trong hoạt động Công đoàn” là chuyên đề để triển khai các khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ 2023-2028.

Đây được xem là một trong những giải pháp mới, tối ưu; không những chăm lo mà còn phục vụ tốt hơn và đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của đoàn viên, người lao động”.

Lê Dung. Ảnh: Hồng Mạnh
 
 
 
Bình luận

Tin khác